image banner
Tín hiệu vui từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở Bắc Kạn

Năm 2022, từ nguồn vốn của Nghị định số 35 ngày 13/4/2015 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn đã triển khai 3 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại các xã Yên Phong huyện Chợ Đồn, xã Hà Hiệu huyện Ba Bể và xã Thượng Quan huyện Ngân Sơn với tổng diện tích 2 vụ là 71,25 ha, thu hút 214 hộ dân tham gia. Các mô hình này sử dụng giống lúa chất lượng, giá trị kinh tế cao, có khả năng tạo thành hàng hóa được thị trường ưa chuộng như: J02 (Japonica), Bao thai, Khẩu nua lếch, Khẩu nua lương.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng Bắc Kạn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng đã triển khai mô hình lúa theo hướng hữu cơ. Về tiềm năng kinh tế của 3 mô hình lúa này thì hiện nay thị trường tiêu thụ rất tốt, ví dụ như J02 trong vụ xuân đã được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, còn lúa vụ mùa Khẩu nua lếch là đặc sản lúa nếp của địa phương hiện không đủ cung cấp cho thị trường.

Quá trình triển khai, Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng đã cử cán bộ “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ trên nền kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) vào 03 giai đoạn chính của cây lúa; kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch; hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất…

Với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chuyên môn, người dân đã từng bước làm quen và nắm bắt được với các yêu cầu kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, từ đó thực hiện thành công mô hình.

Bà Nguyễn Thị Vinh - Thôn Nà Ma, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể cho biết: Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm và rơm rạ đã ủ với chế phẩm vi sinh Sumitri, toàn bộ lúa tại mô hình sau khi thu hoạch được doanh nghiệp cam kết thu mua thóc tươi với giá cao hơn so với trồng lúa thông thường.

Từ vụ xuân 2023, bà con và chính quyền địa phương xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn rất phấn khởi vì là xã đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn có vùng trồng lúa (diện tích 8,26 ha với 47 hộ tham gia) được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo TCVN và được cấp mã số vùng trồng. Vụ mùa năm 2023, xã tiếp tục thực hiện thêm 30 ha lúa áp dụng kỹ thuật sản xuất hữu cơ với 130 hộ tham gia. Xã đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong, bước đầu hình thành được mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm: Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống cây trồng Quốc Anh cung ứng giống, phân bón, men vi sinh, thuốc BVTV sinh học cho trả chậm; HTX Hồng Luân và Công ty TNHH MTV Thương mại Đông Nam Việt liên kết tiêu thụ thóc, gạo hữu cơ.

anh tin bai

Cánh đồng lúa hữu cơ của xã Yên Phong – Chợ Đồn

    Chị Hoàng Thị Chinh, thôn Phiêng Quắc tham gia trồng lúa hữu cơ từ năm 2022 chia sẻ: “Trồng lúa hữu cơ so với canh tác lúa truyền thống có sự khác biệt, đó là không được sử dụng thuốc hóa học, chỉ dùng phân bón hữu cơ, một số khâu buộc áp dụng phương pháp thủ công như làm cỏ, bắt ốc bươu vàng. Canh tác theo cách này, đất có độ tơi xốp, hạt lúa mẩy, đều, bán ra được giá cao hơn từ 1.500 – 2.000 đ/kg”.

anh tin bai

Ruộng lúa Bao thai hữu cơ trĩu hạt, sạch sâu bệnh

Bên cạnh mô hình lúa hữu cơ ở xã Yên Phong, 10 ha lúa Nếp tài của Hợp tác xã Yến Dương (xã Yến Dương, huyện Ba Bể) cũng đã được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, trong đó có 3,5 ha được cấp chứng nhận hữu cơ theo TCVN và diện tích này đang tiếp tục chuyển đổi để đạt chứng nhận hữu cơ JAS (tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản). Hợp tác xã ký hợp đồng thu mua 100% sản lượng, vụ mùa năm 2023 HTX Yến Dương đã thu mua khoảng 40 tấn thóc với giá trung bình là 18.000 đ/kg, trong khi giá thóc nếp sản xuất thông thường là 13.000 -14.000 đ/kg.

Bà Ma Thị Ninh – Giám đốc HTX Yến Dương chia sẻ: Toàn bộ sản phẩm gạo nếp tài hữu cơ của HTX hiện chỉ đủ cung ứng cho các đơn hàng lẻ. Giấy chứng nhận hữu cơ được xem như giấy thông hành quan trọng, khẳng định về chất lượng, có thể cạnh tranh trên thị trường.

Triển vọng từ mô hình hữu cơ, đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có hơn 1.000 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tập trung ở Chợ Đồn, Bạch Thông, Ba Bể và Ngân Sơn. Kết quả đạt được khả quan, năng suất khi chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ tăng so với canh tác thông thường, năng suất trung bình của các mô hình cấy giống lúa Nhật J02 đạt 60-65 tạ/ha, giống Bao thai đạt 50 – 55 tạ/ha, lúa nếp đạt 42-45 tạ/ha. Bên cạnh đó, gần 90 ha cây trồng (lúa, nghệ, chè shan tuyết, dong riềng, dẻ, sả chanh) được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo TCVN; 45,43 ha cây trồng (dong riềng, nếp tài, bí xanh thơm, gừng) được cấp giấy chứng nhận theo quy trình sản xuất hữu cơ PGS.

Theo Ông Nguyễn Mỹ Hải – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn thì: Thông qua thực hiện các mô hình hữu cơ giúp bà con chuyển từ sản xuất thông thường sang hữu cơ, sản xuất thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Đồng thời thông qua mô hình có sự liên kết giữa các hộ dân sản xuất với các HTX và doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con, từ đó giúp bà con yên tâm sản xuất, từng bước chuyển đổi nhận thức sản xuất theo hướng hàng hóa.

          Có thể thấy mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nông nghiệp hàng hóa địa phương. Đây sẽ là tiền đề để tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030./.

Phạm Thu

Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 20
  • Trong tuần: 459
  • Tất cả: 131944
Thiết kế bởi VNPT