image banner
Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020

    Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020.

  Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Phùng Đức Tiến Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam; lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến Nông; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban quản lý ATTP, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản các tỉnh, thành phố.

    Hội nghị được nghe đồng chí Nguyễn Như Tiệp Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản trình bày Báo cáo công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2019 và Kế hoạch công tác năm 2020.

    Năm 2019, hệ thống văn bản chính sách pháp luật về quản lý chất lượng ATTP đã được soát xét, hoàn thiện cơ bản đầy đủ theo hướng cải cách hành chính, hài hòa với chuẩn mực quốc tế và tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng an toàn;

    Nhận thức người tiêu dùng, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm được nâng cao nhờ gia tăng số lượng và hình thức phổ biến chính sách pháp luật, truyền thông quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn, đến người tiêu dùng như đã phối hợp với Ban thời sự Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng hàng ngày chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho Thế giới”; với BáoVnExpress duy trì chuyên mục “Nông nghiệp sạch”; với Báo Nông thôn ngày nay cập nhật danh sách địa chỉ bán sản phẩm nông sản an toàn đã được kiểm soát theo chuỗi tại “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch” …; phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cấp hội tại các tỉnh, thành phố, tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình 526. Kết quả toàn Ngành đã tổ chức hơn 4 nghìn Hội nghị, hội thảo, tập huấn cho gần 300 nghìn lượt người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham dự; đã in, phát gần 550 nghìn tờ gấp, tờ rơi, tờ dán, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích...; 2.000 tin, bài trên báo viết tuyên truyền về đảm bảo ATTP; mở hơn 80 lớp đào tạo nghề cho gần 3.000 lượt lao động trong vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại có liên kết với các doanh nghiệp…

       Các địa phương đã tổ chức mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn; nhân rộng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, tính đến nay cả nước đã có 1.950 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tương đương với diện tích 38,6 nghìn ha cây trồng (tăng gấp đôi diện tích giai đoạn 2016); 11.521 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (tăng 1,6 lần giai đoạn 2016); 624 vùng/cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 5.174 ha (tăng gấp ba diện tích giai đoạn 2016); 11 khu/vùng nông nghiệp và 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận; 59 tỉnh, thành phê duyệt Đề án/Kế hoạch OCOP trong đó 12 tỉnh đánh giá, phân hạng và công nhận 604 sản phẩm OCOP; 4.806 xã (54%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 968 xã so với năm 2018) trong đó 100% các xã nông thôn mới đều đạt tiêu chí “Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức được 1514 chuỗi (tăng 418 chuỗi so với năm 2018), 2381 sản phẩm (tăng 955 sản phẩm so với năm 2018) và 3267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi (tăng 93 địa điểm so với năm 2018) với sự tham gia của một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà ....).

    Toàn Ngành đã tăng cường giám sát, kiểm tra; chuyển mạnh sang thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm, công tác giám sát ATTP nông lâm thủy sản được duy trì tập trung vào các vấn đề gây bức xúc trong xã hội như tồn dư thuốc BVTV trong rau, quả và chất cấm, kháng sinh trong thịt, thủy sản nhằm đánh giá rủi ro, kịp thời cảnh báo và khoanh vùng đối tượng tăng cường thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm; công tác thẩm định, xếp loại cơ sở và tổ chức ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn được duy trì hiệu quả: đã có 5.081 cơ sở được xếp loại A, B/5.230 cơ sở thẩm định (chiếm 97%, giảm so với năm 2018). Số liệu thống kê từ 55/63 tỉnh, thành phố cho thấy đã có 755.872 cơ sở ký cam kết/1.182.685 cơ sở được thống kê (chiếm 64%, tăng so với năm 2018); tổ chức kiểm tra 319.381 lượt cơ sở (chiếm 42% tăng so với năm 2018), phát hiện 2.546 cơ sở vi phạm (chiếm 0,8%, tăng so với năm 2018.

    Toàn Ngành đã thanh, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 4.701 cơ sở/67.080 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và nông lâm thủy sản (chiếm 7%, giảm so với 7,3% năm 2018) với tổng số tiền phạt 33 tỷ đồng, bình quân 7,02 triệu/cơ sở vi phạm.

    Nhờ công tác tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, chất lượng, ATTP sản phẩm nông sản đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể không phát hiện vi phạm chất cấm Salbutamol, Clenbuterol trong 508 mẫu thịt lợn; không phát hiện vi phạm kháng sinh trong 672 mẫu thịt tươi (năm 2018 phát hiện 0,2% mẫu vi phạm); chỉ phát hiện 4/355 mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV, chiếm 1,1% giảm so với năm 2018; phát hiện 40/3.226 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, kim loại nặng, chiếm 1,2% giảm so với năm 2018; 07/242 mẫu thực vật chế biến nhiễm vi sinh vật, phụ gia, độc tố nấm vượt giới hạn cho phép, chiếm 2,8%, giảm so với năm 2018. Như vậy tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát trên diện rộng đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (giảm 10% so với năm 2018).

      Thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản được mở rộng, trong năm 2019, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường thông qua việc ban hành các quy định nhập khẩu mới, kết quả đã xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc, gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD (tăng 3,5% so với 2018) đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

    Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nông sản nhập khẩu, ban hành 104 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu với tổng số tiền phạt 3,2 tỷ đồng.

    Năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, ATTP được tăng cường, toàn Ngành Nông nghiệp cũng đã chú trọng, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và thực thi nhiệm vụ kết quả năm 2019 đã tổ chức 5.428 lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 393.509 lượt cán bộ, công nhân viên (tăng gấp 05 lần năm 2018).

    Tồn tại, hạn chế, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ ở nhiều địa phương còn chậm; tổ chức bộ máy làm công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản tại các địa phương biến động, không đồng nhất. Nguồn lực tại các địa phương chưa đáp ứng để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ theo phân công, phân cấp; một số địa phương việc phổ biến, vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định về đảm bảo ATTP chưa đầy đủ, thường xuyên; việc giám sát, kiểm tra chưa đầy đủ, kịp thời; chưa chuyển biến mạnh sang thanh tra đột xuất để phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm; các rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu nông sản ngày càng chặt chẽ, phức tạp.

Các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm năm 2020, tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản; tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật; đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các loại VTNN không bảo đảm chất lượng, an toàn khỏi danh mục được phép sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn; phối hợp với Báo, Đài, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ Việt Nam...tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng VTNN, ATTP; truyền thông, quảng bá các địa chỉ sản xuất, kinh doanh nông sản chất lượng, an toàn; chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tổ chức giám sát, tiếp tục chuyển mạnh sang kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về ATTP; chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông sản. Phối hợp với các Bộ, Ngành, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong xuất khẩu nông sản; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP...

    Sau khi nghe dự thảo báo cáo, Hội nghị còn được nghe các ý kiến góp ý, tham luận của các đại biểu tỉnh; các Sở, ngành liên quan; các doanh nghiệp... về hoạt động chuyên môn cũng như công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm tiếp theo.

    Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phùng Đức Tiến Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đồng chí cũng đề nghị trong thời gian tới Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chỉ đạo các địa phương cần có các giải pháp thực hiện cụ thể cho các hoạt động, nhấn mạnh các nội dung trọng tâm để tăng hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.

     Sau khi nghe ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phùng Đức Tiến và các ý kiến tham luận của các vị đại biểu dự Hội nghị, đồng chí Nguyễn Như Tiệp Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã tiếp thu, lĩnh hội những ý kiến quý báu của các vị đại biểu để triển khai thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020./.

Hồng Thắng

Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 37
  • Trong tuần: 476
  • Tất cả: 131961
Thiết kế bởi VNPT