image banner
Mô hình hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị dẻ

 Bắc Kạn là tỉnh miền núi có tiểu vùng khí hậu đặc trưng mang đến lợi thế và tiềm năng về những sản phẩm nông nghiệp đặc thù tại địa phương, để phát triển sản xuất nông nghiệp thì việc hỗ trợ từ chương trình, dự án, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp để phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.

anh tin baianh tin bai

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng thăm mô hình sản xuất dẻ hữu cơ tại Hợp tác xã HTX Hợp Phát

    Trong đó, dẻ ván là cây trồng tiềm năng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các mắt xích trong chuỗi giá trị để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

    Dẻ ván - sản phẩm đặc sản của địa phương

    Dẻ là cây trồng được đưa vào huyện Ngân Sơn từ những năm 2000, ban đầu là trồng thử, qua quá trình theo dõi cho thấy cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đồng thời sản phẩm cho thu hoạch sau khi chế biến mang lại mùi vị thơm ngon, ngọt bùi, hấp dẫn.

    Nhận thấy cây dẻ có tiềm năng phát triển, có giá trị kinh tế cao, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện Ngân Sơn đang tuyên truyền, khuyến khích nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi rừng sản xuất nghèo kiệt sang trồng cây dẻ và định hướng xã Đức Vân là vùng phát triển cây dẻ thành sản xuất hàng hóa.

    Đến nay, diện tích cây dẻ của huyện Ngân Sơn khoảng 70ha, trong đó xã Đức Vân diện tích trên 30ha gần 20ha/70ha bắt đầu cho thu hoạch. Một số hộ gia đình đã có hạt dẻ được thu hoạch, với giá bán từ 80 - 100 ngàn đồng/ kg, góp phần không nhỏ trong tiêu chí thu nhập kinh tế hộ.

    Hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị dẻ

    Hợp tác xã HTX Hợp Phát (xã Đức Vân) hiện có trên 16ha cây dẻ, phần lớn là diện tích mới bói quả và mới trồng. Tuy nhiên, khoảng 3 đến 5 năm tới, diện tích cho thu hoạch và sản lượng hạt dẻ tăng mạnh, vì vậy việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm ngay từ thời điểm này là vấn đề thật sự cần thiết. Đây cũng chính là lý do mà Ban thực hiện Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ - CSSP Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn lựa chọn hỗ trợ Hợp tác xã HTX Hợp Phát để phát triển chuỗi giá trị dẻ, trong đó có nội dung sản xuất dẻ theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

    Trong hai năm 2020 - 2021, Ban thực hiện dự án CSSP đã hỗ trợ HTX Hợp Phát từ tập huấn, hướng dẫn xây dựng và ban hành tài liệu, hồ sơ của Hợp tác xã; hướng dẫn đánh giá nội bộ, ghi chép và lưu trữ hồ sơ; hỗ trợ kiểm nghiệm, đánh giá và cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ sản phẩm hạt dẻ với diện tích 5,35ha.

anh tin bai

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT trao Giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ cho sản phẩm hạt dẻ

 

    Sau khi được hướng dẫn về sản xuất dẻ hữu cơ, ông Bàn Cao Sơn, phó giám đốc Hợp tác xã HTX Hợp Phát cho biết "Để đảm bảo sản xuất theo yêu cầu của nông nghiệp hữu cơ, gia đình tôi đã thực hiện các biện pháp như: Không làm cỏ trắng mà chỉ phát quang giữ lại thảm thực vật để hạn chế xói mòn, rửa trôi; không đốt các thảm thực vật, tàn dư cây trồng trong khu sản xuất; tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học và chỉ sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón cho cây".

anh tin bai

Ông Bàn Cao Sơn phát quang cỏ dại, giữ lại thảm thực vật trên diện tích sản xuất hữu cơ

    Bà Bàn Thị Nguyệt, thành viên hợp tác xã cũng chia sẻ "Sau khi tham gia mô hình, bản thân tôi đã nhận thức tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bởi sản xuất hữu cơ chính là vì sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái".

    Như vậy, khi tham gia dự án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị dẻ, thành viên hợp tác xã được nâng cao về kiến thức như kỹ thuật trồng, chăm sóc; về an toàn thực phẩm; các điều kiện để áp dụng sản xuất dẻ theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó việc hỗ trợ máy móc, thiết bị, nhãn mác bao bì cũng góp phần để xây dựng, duy trì thương hiệu, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hạt dẻ.

    Giải pháp trong thời gian tới

    Bà Bàn Thị Ngân, Giám đốc hợp tác xã cũng chia sẻ "Sản xuất hữu cơ đối với cây dẻ là rất phù hợp với xu hướng thị hiếu của người tiêu dùng, hiện tại diện tích được chứng nhận hữu cơ mới chỉ đạt 5,35ha, vì vậy trong thời gian tiếp theo chúng tôi vận động các thành viên trong hợp tác xã duy trì diện tích sản xuất hữu cơ hiện có, diện tích của thành viên khác cũng chuyển sang sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng - giá trị sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường".

    Trong năm 2021 - 2023, hợp tác xã phấn đấu xây dựng một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm dẻ trên địa bàn huyện Ngân Sơn với quy mô 18 ha cây dẻ để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa ổn định, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất, góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới./.

Hồng Thắng


 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 41
  • Hôm nay: 115
  • Trong tuần: 493
  • Tất cả: 130227
Thiết kế bởi VNPT