Đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng, cùng chung tay hành động để kết thúc đại dịch AIDS
Tại Việt Nam mỗi năm có hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện và 3.000 - 4.000 người tử vong do HIV. Đây được xem là căn bệnh thế kỷ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà còn có thể lây truyền đến những người xung quanh.
1. HIV là gì?
HIV là loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai,sinh đẻ và cho con bú.
AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và dẫn đến chết người.
Nhiễm trùng cơ hội là những nhiễm trùng xảy ra nhân cơ hội cơ thể bị suy giảm miễn dịch do bị nhiễm HIV.
HIV là loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người
2. HIV lây qua con đường nào?
2.1. Lây truyền HIV qua đường máu
HIV có nhiều trong máu toànphần cũng như trong các thành phần của máu như hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương,các yếu tố đông máu. Do đó, HIV có thể lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu có nhiễm HIV.
Lây truyền HIV từ người này sang người khác qua các dụng cụ xuyên chích qua da như trong các trường hợp như dùng chung bơm kim tiêm; dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi,xăm mày, lưỡi dao cạo râu...; dùng chung hoặc dùng khi chưa được tiệt khuẩn đúng cách các dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh... có xuyên cắt qua da;
Lây truyền qua các vật dụng có thể dính máu của người khác trong các trường hợp như dùng chung bàn chải đánh răng.
Lây truyền qua các tiếp xúc trực tiếp với máu khác, như bị dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở hoặc da, niêm mạc bị xây xát.
Lây truyền qua truyền máu và các sản phẩm của máu hoặc ghép các mô, các tạng... bị nhiễm HIV hoặc qua các dụng cụ truyền máu, lấy máu... không được tiệt trùng đúng cách.
2.2. Lây truyền HIV qua đường tình dục
Sự lây truyền HIV qua đường tình dục xảy ra khi các dịch thể (máu, dịch tiết sinh dục) nhiễm HIV (của người nhiễm HIV) xâm nhập vào cơ thể bạn tình không nhiễm HIV.
Tất cả các hình thức quan hệ tình dục với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên,mức độ nguy cơ là khác nhau, nguy cơ cao nhất là qua đường hậu môn, rồi tiếp đến là qua đường âm đạo và cuối cùng là qua đường miệng. Người nhận tinh dịch có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn.
2.3. Lây truyền HIV từ mẹ sang con
Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể của thai nhi.
Khi sinh: HIV từ nước ối,dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ khi sinh (qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da xây xát của trẻ trong quá trình đẻ). Khi sinh HIV cũng có thể từ trong máu mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ mà dính vào cơ thể (niêm mạc) của trẻ sơ sinh.
Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa hoặc qua các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng.
3. HIV có lây qua đường nước bọt không?
Trong lây nhiễm HIV, dịch tiết có nguy cơ lây nhiễm là máu, dịch tiết sinh dục, sữa mẹ. Các dịch tiết khác được xem như an toàn nếu không pha lẫn với các dịch tiết kể trên. Do đó, nếu nước bọt đơn thuần, khả năng lây nhiễm HIV gần như là không thể, tuy nhiên, khả năng này sẽ thay đổi và gia tăng đáng kể nếu pha loãng trong đó là máu (từ vết thương, viêm nha chu, vết loét).
Các tiếp xúc nước bọt như ăn chung mâm, chung chén đũa, uống nước chung ly vốn được xem là tiếp xúc thông thường. Trên thực tế, chưa có ghi nhận nào về trường hợp khai báo lây nhiễm qua các tiếp xúc này. Tuy nhiên, trong tình huống sống chung với người nhiễm HIV, hành vi này được lưu ý cân nhắc vì tính chất tiếp xúc lâu dài, liên tục có thể làm gia tăng nguy cơ, đặc biệt là những lúc bệnh nhân nhiễm HIV có những đợt bệnh cấp tính (nấm miệng, loét, lao phổi...).
Trường hợp đánh răng sử dụng chung bàn chải với người có HIV được kể là sử dụng chung vật dụng có dính máu vì khả năng chả y máu khi đánh răng là khá phổ biến. Do vậy, đây được xem là hành vi nguy cơ. Rất may, trên thực tế hành vi này không phổ biến, chỉ thỉnh thoảng xảy ra trên những cặp vợ chồng.
4. Bệnh HIV có lây qua đường ăn uống không?
Ăn uống chung với người bị nhiễm HIV không có khả năng bị lây bệnh. Và thực tế cũng chưa ghi nhận được ca nhiễm bệnh HIV nào qua đường uống nước, ngồi ăn chung với một ai đó nhiễm HIV. Đối với trường hợp người bệnh bị lở loét hoặc chảy máu ở vùng miệng có thể tới các trung tâm y tế về HIV/AIDS để có được sự tư vấn và làm xét nghiệm, dù vậy khả năng lây nhiễm qua trường hợp này cũng cực kỳ thấp.
Có thể nói rằng, bên ngoài cơ thể thì HIV hầu như không tồn tại được sau vài giờ rời khỏi cơ thể người và nguy cơ lây nhiễm nếu có tiếp xúc với máu khô ở ngoài môi trường của người nhiễm HIV là rất thấp,hoặc hầu như không xảy ra. Tuy là HIV có trong dịch tiết nước bọt và nước mắt và cả nước tiểu của người nhiễm HIV sẽ không có nguy cơ lây nhiễm vì số lượng virus quá thấp.
5. Thực trạng về đại dịch HIV/AIDS hiện nay
Theo ông PSG.TS Nguyễn Hoàng Long,Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 12/1990, đến nay, cả nước có 215.661 người nhiễm HIV và 103.616 tử vong do HIV/AIDS. Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.779 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.984 người, số bệnh nhân tử vong 1.428 người. Tính đến hết tháng 9/2019, cả nước đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho hơn 142.000 người nhiễm HIV, tăng hơn 270 lần so với năm 2005. Trung bình mỗi năm có hơn 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV. Chất lượng điều trị ARV được cải thiện và nâng cao dần qua các năm. Kếtquả xét nghiệm tải lượng HIV trong 3 năm gần đây cho thấy hiệu quả chương trình điều trị được duy trì cao qua các năm. Kết quả 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy 96% người bệnh điềutrị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế và gần 95% bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện.
Về kết quả 20 năm chăm sóc,điều trị HIV/AIDS, PGS.TS Phan Thị Thu Hương cho biết, Việt Nam đã có hệ thống văn bản, chính sách liên quan đến điều trị HIV/AIDS; tiêu chuẩn bắt đầu điều trị thuốc ARV được mở rộng, thời gian làm xét nghiệm tải lượng HIV sau điều trị ARV giảm; mô hình điều trị HIV/AIDS chuyển từ điều trị nội trú sang điều trị ngoại trú; số cơ sở điều trị ARV tăng từ 298 cơ sở (2011) lên 453 cơ sở (2019). Từ năm 2015, cơ sở điều trị được chuyển dịch từ trung tâm y tế 1 chức năng sang trung tâm y tế 2 chức năng, hiện đã có 3 cơ sở y tế tư nhân điều trị thuốc ARV, trong đó có 1 cơ sở cung cấp thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT).
Đặc biệt, việc sử dụng thuốc ARV là loại thuốc kháng vi rút nhằm làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể được Việt Nam sử dụng rộng rãi từ năm 2004 mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch. Theo báo cáo của chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về AIDS(UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do đó có thể giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%. Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng.
Tháng hành động “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” với mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030; Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV cho người dân,đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV AIDS với gia đình,xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân./.
(Nguồn thamkhảo: WHO; Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế)
Hồng Thắng