image banner
Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Mô hình thu gom, tái chế, sử dụng các loại chất thải theo nguyên lý tuần hoàn năm 2024 tại xã Sỹ Bình

    Vừa qua, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng đã tổ chức kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Mô hình thu gom, tái chế, sử dụng các loại chất thải theo nguyên lý tuần hoàn năm 2024 tại xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông, trong đó kiểm tra hoạt động xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp của các hộ tham gia Mô hình trên địa bàn xã. 

anh tin bai

Quang cảnh lớp tập huấn xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp

Mô hình thu gom, tái chế, sử dụng các loại chất thải theo nguyên lý tuần hoàn năm 2024 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Mô hình được Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng phối hợp với UBND xã Sỹ Bình triển khai thực hiện tại 04 thôn của xã Sỹ Bình gồm thôn Lọ Cặp, 1B Khau Cưởm, 1A Nà Loạn và Nà Lẹng với 120 hộ dân tham gia.

      Mục tiêu xây dựng 01 mô hình thu gom chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp để xử lý thành phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường nông thôn; xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, chất thải sau xử lý được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt. Theo Kế hoạch, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn đã triển khai 04 lớp tập huấn tuyên truyền về ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp, các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp cho 120 hộ tham gia mô hình và hỗ trợ mỗi hộ 02 gói men ủ vi sinh để tự thực hiện ủ phân phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp tại hộ gia đình, nhóm hộ gia đình.

anh tin bai

(Học viên thực hành sử dụng chế phẩm vi sinh ủ phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp) 

Đoàn kiểm tra của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng đã kiểm tra thực tế các hộ tham gia mô hình tại xã Sỹ Bình. Kết quả kiểm tra cho thấy các hộ, nhóm hộ gia đình đã hưởng ứng thực hiện hoạt động của mô hình bằng nhiều phương pháp khác nhau: có hộ áp dụng phương pháp ủ đống chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp ngay tại nhà; có hộ sử dụng men vi sinh rải ra ruộng và sử dụng lồng trục của máy cày để đảo đều chế phẩm, làm dập rơm, gốc rạ, cày vùi xử lý rơm rạ ngay tại ruộng hoặc ủ đống rơm rạ theo kỹ thuật đã được tập huấn.

Tại đợt kiểm tra, bà Hoàng Thị Hà thôn Nà Lẹng chia sẻ: “Gia đình tôi chăn nuôi trâu, bò nên lượng phân chuồng thải ra lớn. Sau khi được tham gia mô hình, được tham gia lớp tập huấn về xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp và được phát men vi sinh, tôi đã thực hiện thu gom phân chuồng và ủ thành phân hữu cơ. Sử dụng men vi sinh phân hoai mục nhanh, không còn mùi hôi phục vụ lại cho hoạt động trồng trọt của gia đình. Đặc biệt ở xã nhiều hộ đang thực hiện trồng cây khoai tây và rau màu vụ Đông nên các hộ ủ phân hữu cơ để sử dụng cho vụ Đông sẽ rất hiệu quả”.

anh tin bai

Kiểm tra thực tế các hộ tham gia mô hình tại thôn Lọ Cặp

         Qua kiểm tra thực tế tại các hộ tham gia mô hình, đoàn kiểm tra đánh giá hoạt động này đã góp phần nâng cao được nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy sản xuất theo hướng tuần hoàn, góp phần tận thu nguồn phụ phẩm nông nghiệp, chất thải từ chăn nuôi để tái sử dụng làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho đất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái được các hộ tham gia đánh giá tốt, có khả năng nhân rộng và thực hiện vào các vụ tiếp theo.

anh tin bai

Sản phẩm phân hữu cơ sau khi ủ của các hộ dân thôn Nà Lẹng được cho vào bao, bảo quản sử dụng dần

         Kết thúc đợt kiểm tra, Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng đã có cuộc trao đổi với UBND xã Sỹ Bình về kết quả lớp tập huấn và đề nghị lãnh đạo UBND xã Sỹ Bình tiếp tục tuyên truyền, vận động các thành viên tham gia mô hình duy trì hoạt động thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp tạo thành nguồn phân bón hữu cơ để tái đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống và hoàn thiện các tiêu chí về môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Long Hồi. 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 92
  • Trong tuần: 420
  • Tất cả: 131737
Thiết kế bởi VNPT