KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI, PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP TẠI XÃ TÂN LẬP VÀ XÃ YÊN MỸ, HUYỆN CHỢ ĐỒN
Vừa qua, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và
Quản lý chất lượng đã tổ chức kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện xử lý chất
thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp của các hộ tham gia thuộc “Mô hình thu
gom, tái chế, sử dụng các loại chất thải theo nguyên lý tuần hoàn năm 2024” thực
hiện tại xã Tân Lập và Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn.
Lớp tập huấn xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông
nghiệp
Với mục tiêu xây dựng mô hình xử lý chất thải
chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, chất thải sau xử lý được
sử dụng cho sản xuất nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt, Chi cục Trồng trọt,
Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng đã triển khai tập huấn cho 270 hộ tham
gia mô hình tại xã yên Tân Lập và Yên Mỹ về kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi
và phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh; hỗ trợ men ủ vi sinh
cho các hộ tham gia có thể tự thực hiện tại hộ gia đình, nhóm hộ gia đình.
Hộ tham gia mô hình tại thôn Phai Điểng, xã Tân Lập
Qua kiểm tra thực tế các hộ tham gia mô hình tại
xã Tân Lập và Yên Mỹ của huyện Chợ Đồn, kết quả cho thấy các hộ, nhóm hộ gia
đình cơ bản đã hưởng ứng thực hiện hoạt động ủ phân hữu cơ từ chất thải chăn
nuôi, phụ phẩm nông nghiệp. Nhiều hộ thực hiện ủ phân theo đúng kỹ thuật tạo được
sản phẩm phân hoai mục không còn mùi hôi, đem bón cho cây trồng sinh trưởng
phát triển tốt, cải tạo đất nông nghiệp và một số hộ thực hiện xử lý ngay rắc
chế phẩm vi sinh tại ruộng lúa sau khi gặt và cho nước vào ngâm từ 7-10 ngày
không cần đống, rơm rạ sẽ phân hủy hết và làm cho đất tơi xốp, giữ nước tốt.
Tuy nhiên, một số hộ chưa thực hiện ủ phân do thiếu nguyên liệu thực hiện, các
vùng sản xuất ở xa, thiếu nhân lực, chưa thay đổi tư duy...
Hộ tham gia mô hình tại thôn Ủm Đon, xã Yên Mỹ
Về hiệu quả kinh tế của việc tự ủ phân vi sinh, 01 tấn chất thải
chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, vỏ trấu, thân cây ngô, phân chuồng…)
sau khi ủ thu được khoảng 0,5-0,6 tấn phân hữu cơ. Với giá bán trung bình
3.500đ/kg phân hữu cơ, mô hình thu được từ 1.750.000 – 2.100.000đ/tấn nguyên liệu.
Mô hình góp phần tận thu nguồn phụ phẩm nông nghiệp, chất thải từ
chăn nuôi để tái sử dụng làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho đất, giảm chi phí
đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Kết
thúc đợt kiểm tra, Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng đã đề nghị
lãnh đạo UBND xã Tân Lập, Yên Mỹ tuyên truyền, vận động các thành viên tham gia
mô hình tiếp tục duy trì hoạt động thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm
nông nghiệp tạo thành nguồn phân bón hữu cơ để tái đầu tư vào sản xuất nông
nghiệp. Vận động lan tỏa, nhân rộng ra tất cả các thôn trên địa bàn xã thực hiện
hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo
ra môi trường sống ở nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Người viết tin: Hoàng Tùng