Hỗ trợ xã Trần Phú, huyện Na Rì thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng Nông thôn mới
Xã
Trần Phú, huyện Na Rì là 01 trong 24 xã nằm trong kế hoạch lộ trình về đích
nông thôn mới năm 2024. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay xã chỉ đạt được 09/19
tiêu chí, còn 10 tiêu chí chưa đạt. Trong đó có tiêu chí 17 về môi trường và an
toàn thực phẩm.
Năm 2024, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật
và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn
giao nhiệm vụ xây dựng 01 mô hình thu gom, tái chế, sử dụng các loại chất thải
theo nguyên lý tuần hoàn với mục tiêu giúp đỡ xã Trần Phú thực hiện hiệu quả tiêu
chí về môi trường trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Mô hình thu gom, tái chế, sử dụng các loại chất
thải theo nguyên
lý tuần hoàn năm 2024 được triển khai tại 07 thôn trên địa bàn xã Trần Phú với 120
hộ tham gia. Mô hình tổ chức 04 lớp tập huấn về xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông
nghiệp nhằm tuyên truyền các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường nông thôn trong xây dựng
nông thôn mới, hướng dẫn kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông
nghiệp thành phân bón hữu cơ.
Quang
cảnh lớp tập huấn
Người
dân thực hành ủ phân hữu cơ sử dụng chế phẩm vi sinh
Với
nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương như bã dong riềng từ các
cơ sở chế biến miến dong, thân cây dong riềng, rơm rạ, vỏ trấu, mùn cưa… kết hợp
với cùng các loại phân chuồng và chế phẩm vi sinh sau khi ủ sẽ tạo ra được sản
phân bón hữu cơ. Quy trình kỹ thuật được giảng viên hướng dẫn thực hành trực tiếp
nên nội dung dễ hiểu, dễ nắm bắt.
Người
dân thực hành ủ phân tại thôn Nà Tảng
Trên địa bàn xã, nhiều hộ dân đang thực hiện một số mô hình liên kết sản
xuất và tiêu thụ sản phẩm như trồng cây dong riềng, cây khoai tây, cây dưa chuột….rất
phù hợp sử dụng phân bón hữu cơ. Sản phẩm phân hữu cơ sau khi ủ được sử dụng
giúp đất tơi xốp, bổ sung các vi sinh vật có lợi, tiêu diệt vi sinh vật có hại,
hạn chế mầm bệnh, tăng cường sức đề kháng cho cây, đồng thời giúp chuyển hóa
dinh dưỡng để cây trồng hấp thu dễ dàng hơn.
Sau khi được tham gia lớp tập huấn về ủ
phân hữu cơ các hộ tham gia được hỗ trợ mỗi hộ 02 gói chế phẩm vi sinh để thực
hiện tại nhà.
Người
dân được cấp phát chế phẩm vi sinh
Tại một số nơi người dân vẫn có thói quen vứt
bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng bừa bãi trên đồng ruộng hoặc bờ mương,
sông suối; một số hộ dân đã tự thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để chôn,
lấp hoặc đốt cùng rác thải sinh hoạt tại các lò đốt rác của thôn hoặc gia đình.
Dư lượng thuốc BVTV còn sót lại trong vỏ chai, bao bì thuốc BVTV với hàm lượng
độc tố cao chảy ra và ngấm vào đất, nguồn nước, không khí sẽ gây ảnh hưởng đến
môi trường sống và sức khỏe con người.
Tại lớp tập huấn, Chi cục đã thực hiện lồng
ghép việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại xã Trần Phú thực hiện việc thu
gom, xử lý vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định. Bao gói thuốc
BVTV sau sử dụng là chất thải nguy hại, phải được
làm sạch và thu gom về các bể chứa và xử lý theo quy định tại Thông tư liên
tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT- BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT
và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý
bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Thông tư
02/2022/TT-BTNMT ngày
10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật bảo vệ môi trường; thực hiện lồng ghép kinh phí từ nguồn sự
nghiệp bảo vệ môi trường và từ các nguồn xã hội hoá để xây dựng các bể chứa bao
gói thuốc BVTV sau sử dụng góp phần thực hiện tiêu chí 17.7 (tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử
dụng và chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi
trường) trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Trong thời gian tới, UBND xã Trần Phú cần
tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể người dân về những hiệu quả của mô hình mang
lại để duy trì và nhân rộng trên địa bàn xã.
Đồng thời vận động người dân áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất
tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc vô cơ trong lĩnh vực
trồng trọt; khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hữu cơ; phát
triển các mô hình nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện môi trường,
góp phần thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới tại địa phương./.
Long Hồi.